13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm: 1- Lúa gạo; 2- Cà phê; 3- Cao su; 4- Điều; 5- Hồ tiêu; 6- Chè; 7- Rau, quả; 8- Sắn và sản phẩm từ sắn; 9- Thịt lợn; 10- Thịt và trứng gia cầm; 11- Cá tra; 12- Tôm; 13- Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm: 1- Lúa gạo; 2- Cà phê; 3- Cao su; 4- Điều; 5- Hồ tiêu; 6- Chè; 7- Rau, quả; 8- Sắn và sản phẩm từ sắn; 9- Thịt lợn; 10- Thịt và trứng gia cầm; 11- Cá tra; 12- Tôm; 13- Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Sự phát triển của nền nông nghiệp Hàn Quốc kể từ khi thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc (1948) đến nay có thể được phân định thành 3 giai đoạn lớn với những đặc trưng chủ yếu là: Cải tạo nông nghiệp và xây dựng nền tảng cơ sở của sản xuất nông nghiệp (1948 - 1970); Xây dựng nông thôn mới (1970 - 1995); và Hội nhập quốc tế về nông nghiệp (1995 đến nay).
Hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, không chỉ đối với các nước đang phát triển với nông nghiệp là ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, mà kể cả các nước đã phát triển với các ngành công nghệ và dịch vụ giữ vai trò chủ đạo.
Từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, với hơn 70% GDP do nông nghiệp đóng góp và hơn 70% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, và với GDP bình quân đầu người hơn 70 USD vào đầu những năm 1960, Hàn Quốc đã thực hiện quá trình công nghiệp hoá đất nước theo định hướng xuất khẩu và đã trở thành một nước công nghiệp phát triển đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Trong quá trình đó, nền nông nghiệp của Hàn Quốc đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và phải đương đầu với khá nhiều vấn đề trong quá trình phát triển để có thể trở thành một nền nông nghiệp hiện đại.
Bài viết này tập trung phân tích các giai đoạn chủ yếu trên con đường phát triển hiện đại của nông nghiệp Hàn Quốc và các chính sách nông nghiệp chủ yếu mà chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện qua các giai đoạn đó.
1. Tổng quan về các giai đoạn phát triển chủ yếu của nông nghiệp Hàn Quốc
Sự phát triển của nền nông nghiệp Hàn Quốc kể từ khi thành lập nước Đại hàn dân quốc (1948) đến nay có thể được phân định thành 3 giai đoạn lớn: 1948 - 1970; 1970 - 1995; và từ 1995 đến nay.
Những năm 1950, 1960, bức tranh nông nghiệp Hàn Quốc khá ảm đạm với những cánh đồng khô cằn, hiệu quả kinh tế thấp; tư duy canh tác của người nông dân manh mún, lạc hậu. Nguyên nhân của tình trạng trì trệ này là do sản xuất nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm là chính, năng suất và thu nhập thấp, nông đân không có khả năng tái đầu tư nên bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn đói nghèo. Trước tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định phá vỡ sự bế tắc bằng cách thực hiện biện pháp “hai mũi giáp công đồng bộ”: một là, đưa kỹ thuật sản xuất mới (giống mới, phân bón và nông dược, cung cấp tín dụng đầy đủ và xác định giá nông sản nâng đỡ cho nhà nông); hai là, thay đổi cơ chế chính sách nông nghiệp (cải cách ruộng đất để mọi nông dân đều có đất canh tác, đồng thời ban hành Luật Hợp tác xã và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đa mục tiêu khuyến khích nông dân tham gia).
HTXNN đa mục tiêu của Hàn Quốc có nhiệm vụ hướng dẫn và đào tạo kỹ năng sản xuất cho nông dân; cung cấp các phương tiện cần thiết cho an sinh xã hội; làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên từ đồng ruộng đến chợ hàng hoá (bao gồm sản xuất, chế biến và bán ra thị trường); dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm (bao gồm kinh doanh tài chính nông nghiệp, tín dụng và tiết kiệm của các HTXNN thành viên); dịch vụ về chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Điều này đã “vực” nền nông nghiệp Hàn Quốc từ yếu ớt trở nên ổn định. Nhờ đó, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng gấp đôi so với 15 năm trước.
Cụ thể là từ năm 1962 đến 1971, Chính phủ Hàn Quốc đã thực thi kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế lần thứ nhất và thứ hai, trợ giúp các ngành nghề trọng điểm và mở rộng xuất khẩu. Nhưng trong thời kỳ này, sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã bị mất cân đối nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, tháng 4 năm 1970 Chính phủ Hàn Quốc đã phát động “Phong trào làng mới". Cách thức hoạt động chủ yếu của phong trào này là Chính phủ là người chủ đạo, cung cấp nguyên vật liệu và máy móc thiết bị; các Hội Nông dân địa phương tổ chức cho nông dân thực thi cụ thể.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (hay phong trào làng mới) ở Hàn Quốc được khởi xướng vào đầu những năm 1970. Sau hơn 20 năm nỗ lực thực hiện chương trình này, Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hiện đại hoá nông nghiệp và cải tạo nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc trong giai đoạn này được chia thành 5 giai đoạn nhỏ hơn như sau:
(1) Giai đoạn cải thiện điểu kiện cư trú của nông dân (1971 - 1973):Trọng điểm của giai đoạn này là cải thiện điều kiện ăn ở của người dân. Bắt đầu từ mùa Đông năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ nông dân các vật tư xây dựng như xi măng, sắt thép... Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã trực tiếp lãnh đạo và phụ trách tổ chức thực thi chương trình xây dựng nông thôn mới; thành lập Viện nghiên cứu trung ương về chương trình này; đồng thời đào tạo hàng loạt các chỉ đạo viên có năng lực để phục vụ cho chương trình.
(2) Giai đoạn nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân (1974 - 1976): Ở giai đoạn này, phong trào làng mới bắt đầu mở rộng theo hướng đô thị hóa. Tiếp tục tập trung xây mới và sửa chữa các công trình công cộng như nhà họp, công trình nước máy, khuyến khích xây mới nhà ở và phát triển kinh doanh đa dạng, tăng cường giáo dục nông thôn mới nhờ lực lượng chỉ đạo viên, cán bộ chính phủ, người phụ trách đoàn thể xã hội... Đồng thời, Chính phủ cũng cung cấp các khoản tín dụng và nhiều điều kiện ưu đãi khác cho những vùng thực hiện phong trào làng mới có hiệu quả; động viên giáo viên, nhân viên nghiên cứu về nông thôn dạy học và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân. Trong giai đoạn này, sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc đã liên tục có những vụ mùa bội thu, thu nhập của đông đảo nông dân được cải thiện đáng kể.
(3) Giai đoạn đi sâu vào sản nghiệp nông thôn, giảm nhẹ tác động của Chỉnh phủ (1977-1980): Trong giai đoạn này, ngành nuôi trồng, ngành gia công nông sản phẩm và nông nghiệp đặc sản phát triển nhanh chóng. Chính phủ tiếp tục cung cấp nguyên liệu xây dựng để mở ra các khu khai thác công nông và các công trình văn hóa nông thôn; ngành bảo hiểm nông thôn và xây dựng văn hóa nông thôn cũng phát triển khá nhanh.
(4) Giai đoạn xây dựng theo hình thái nông dân tự phát làm chủ và được xác nhận (1981 - 1988):Lúc này, Chính phủ mạnh tay điều chỉnh các chính sách và biện pháp thực hiện phong trào làng mới, người nông dân, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, đã tự chủ triển khai xây dựng hiện đại hóa nông thôn. Trong giai đoạn này, trọng điểm công tác của Chính phủ là xây dựng và hoàn thiện tổ chức của phong trào làng mới trên toàn quốc, định ra kế hoạch phát triển và làm tốt việc cung cấp tài chính, vật lực và hỗ trợ về kỹ thuật để phát triển nông nghiệp và nông thôn, phối hợp tốt các công tác: đào tạo, thông tin, tuyên truyền...
(5) Từ đầu những năm 1990 đến 1995,thông qua phong trào làng mới, Hàn Quốc đã phổ cập được hạ tầng cơ sở ở nông thôn, thu hẹp một phần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao trình độ tổ chức của nông dân, chấn hưng tinh thần quốc dân, cuộc sống của người nông dân cũng đạt đến mức khá giả, nông thôn đã bắt kịp tiến trình hiện đại hóa của cả nước, đồng thời đưa thu nhập quốc dân của Hàn Quốc đạt đến tiêu chí của một quốc gia phát triển.
1. 3. Giai đoạn 3 (1995 đến nay)
Khi Hàn Quốc gia nhập WTO vào năm 1995, nông dân Hàn Quốc đứng trước một thách thức mới, đó là các cam kết cắt bỏ mọi khoản trợ cấp cho nông dân. Để thích ứng với những cam kết WTO, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chiến lược nông nghiệp mới, trong đó chú trọng đổi mới khả năng cạnh tranh của nông nghiệp bằng cách huấn luyện nông dân, hiện đại hoá hệ thống marketing, áp dụng công nghệ thông tin; ổn định an sinh nông thôn thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế và đặc biệt là hưu trí của nông dân xã viên. Ngoài ra, Nhà nước còn cải tiến cơ chế chính sách, đặc biệt là chuyển hướng mục tiêu hoạt động của HTXNN. Theo đó, thay vì hoạt động dàn trải trước đây, HTXNN tập trung vào những sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ có lợi thế cạnh tranh cũng như khả năng thành công cao. Thủ tục tài chính được cải cách với hình thức thanh toán trực tiếp thay vì qua trung gian.
Từ năm 1997 đến năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 48 tỷ USD thực hiện chiến lược trên và dự trù khoảng 110 tỷ USD cho giai đoạn 2004 -2013 để tiếp tục cải tiến thuỷ lợi, cải cách ruộng đất, hiện đại hoá phương tiện marketing, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, cải tiến chất lượng cuộc sống của bà con nông dân...
Giá trị sản lượng nông nghiệp của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi so với 15 năm trước. Năm 2005, mặc dù tăng trưởng nông nghiệp chậm lại nhưng Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu hàng đầu là tự cung tự cấp về gạo - nguồn lương thực chủ yếu của đất nước - với sản lượng 4,8 triệu tấn.
Hàn Quốc đã tập trung nỗ lực phát triển nông nghiệp vào việc tăng sản lượng lên mức tối đa từ diện tích đất trồng trọt có hạn của đất nước (vốn chỉ chiếm 19% tổng diện tích đất đai). Những giống lúa mới và những cây trồng khác cho sản lượng cao đã được đưa vào gieo trồng. Ngoài ra, công nghiệp phân bón và thuốc trừ sâu cũng được phát triển để cung cấp đầy đủ những sản phẩm thiết yếu này cho các chủ trang trại.
Sản xuất hoa quả, rau xanh, các cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao và các sản phẩm chăn nuôi tăng nhanh. Sự phát triển nhà kính làm bằng nhựa vi-nyl đã góp phần quan trọng vào việc tăng khối lượng thu hoạch rau xanh cho đất nước.
Quá trình công nghiệp hóa đã làm giảm nhanh dân số nông nghiệp. Tỷ lệ dân nông thôn trong tổng dân số giảm mạnh từ 57% năm 1962 xuống dưới 9% vào cuối những năm 2000. Xu hướng này đã ảnh hưởng đến cơ cấu lao động của các ngành công nghiệp quốc gia. Để giải quyết vấn đề lao động trong ngành nông nghiệp đang giảm nhanh, Chính phủ Hàn Quốc đã có những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Cơ giới hóa đã mang lại những thành tựu đáng kể trong việc trồng và thu hoạch lúa. Ngoài ra, những giống cây mới cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bọ và bệnh tật tốt hơn đang được phát triển.
Cỏ thể nói rằng những vấn đề đặt ra cần được giải quyết trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn Hàn Quốc như: an ninh lương thực, sự chênh lệch về thu nhập giữa các hộ gia đình nông thôn và thành thị, tăng cường năng lực cạnh tranh nồng nghiệp, và sự phát triển nông thôn... chính là những mục tiêu chính sách chủ yếu đặt ra trong nông nghiệp Hàn Quốc trong suốt quãng thời gian hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi nước Đại hàn dân quốc (Hàn Quốc) được thành lập đến nay. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tiễn và sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn trong mỗi giai đoạn mà các chính sách nông nghiệp của Hàn Quốc được nhấn mạnh vào một hoặc một số nội dung nhất định.
2. Nội dung chủ yếu của chính sách nông nghiệp qua các giai đoạn
2.1. Cải tạo nông nghiệp và xây dựng nền tảng cơ sở của sản xuất nông nghiệp (1948 - 1970)
Nội dung chủ yếu của chính sách nông nghiệp của Hàn Quốc trong giai đoạn này là cải cách ruộng đất và xây dựng nền tảng cơ sở kinh tế - xã hội cho sự phát triển của nông nghiệp sau khi Chính phủ đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập. Tuy nhiên, do sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, những bất ổn về xã hội tiếp tục kéo dài cho đến giữa những năm 1950. Cải cách ruộng đất được thực hiện từ 1950 đến 1957 đã thủ tiêu quan hệ địa chủ - tá điền về ruộng đất và thiết lập các nông trang độc lập. Nền kinh tế Hàn Quốc lúc này cơ bản là một nền kinh tế nông nghiệp tiền công nghiệp hoá. Vì vậy, nhu cầu tích luỹ và cung cấp vốn cho quá trình công nghiệp hoá là hết sức cấp thiết. Bởi vì nông nghiệp đã góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp tiềm tàng và vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Chính sách nông nghiệp đã tập trung vào việc giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Một trong những biện pháp chính sách chủ đạo lúc này là thu mua lương thực, phân phối nguồn lương thực viện trợ của Mỹ theo Luật công 480 được ban hành năm 1956, và tăng sản lượng lương thực. Mặc dù viện trợ lương thực của Mỹ đã giúp giải quyết ngay vấn đề thiếu lương thực, song nó cũng làm giảm giá các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Hơn nữa, kế hoạch tăng sản lượng lương thực của Chính phủ không đạt được kết quả như mong muốn do các phương tiện cần thiết để thực hiện như phát triển kỹ thuật và mở rộng quy mô nông trại chưa thực hiện được.
Đây cũng là giai đoạn thiết lập một cách vững chắc thể chế cho việc quản lý nông nghiệp. Các cơ quan như Cục Quản lý phát triển nông thôn, Văn phòng công tác hàng hải, và Cục kiểm lâm đã được thành lập. Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp cũng được thành lập sau khi Luật Hợp tác xã nông nghiệp được ban hành năm 1961. Vấn đề cải thiện cơ cấu nông nghiệp cũng đã được đặt ra và Luật nông nghiệp cơ bản được ban hành năm 1967 nhằm khuyến khích các hộ gia đình nông dân tự lực sản xuất.
2. 2. Xây dựng nông thôn mới (1970 - 1995)
Giai đoạn này là giai đoạn đẩy mạnh quản lý nông nghiệp để tăng sản lượng, số lượng các hộ gia đình nông dân vốn tăng mạnh trong giai đoạn trước đã bắt đầu giảm đi kể từ năm 1968, và tổng diện tích đất nông nghiệp cũng bắt đầu giảm từ năm 1969. Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình công nghiệp hoá, một số lượng lớn đất đai trong nông nghiệp chuyển thành các khu công nghiệp và tương tự như vậy một số lượng lớn lao động nông thôn đã di chuyển ra thành thị và các khu công nghiệp. Nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nông nghiệp trong giai đoạn này là làm thế nào để có thể duy trì hệ thống nông trại độc lập trong quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá. Để thực hiện mục tiêu này, Luật ruộng đất đã được ban hành, nhưng không thực hiện được triệt để do phản ứng của dư luận, vấn đề thiếu lương thực hệ quả của quá trình công nghiệp hoá ngày càng trở nên nghiêm trọng, các mục tiêu của chính sách nông nghiệp của Chính phủ được hướng vào việc tăng sản xuất lương thực và hiện đại hoá quá trình sản xuất. Các biện pháp để thực hiện tăng sản xuất lương thực bao gồm: phát triển và phổ biến các kỹ thuật nông nghiệp mới, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, thành lập các nông trang, tái điều chỉnh đất canh tác, phát triển các nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải tiến hạt giống, và cơ khí hoá nông nghiệp. Các biện pháp chính sách bổ sung cho các biện pháp chính sách này là chính sách phát triển các làng cung cấp điện và mở rộng đường sá, chính sách thu nhập nông nghiệp được cụ thể hoá trong Dự án đặc biệt về tăng thu nhập của nông dân và ngư dân, và chính sách trợ giá bao gồm chính sách giá gạo cao và hệ thống chỉ số thu mua lúa mạch. Đặc biệt là một loại giống lúa gạo mới cho sản lượng cao Tongil Byeo đã được phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1971. Kết quả là sản lượng sản xuất lương thực đã tăng nhanh giúp cho Hàn Quốc có thể tự đảm bảo được về gạo từ năm 1977.
Phong trào nông thôn mới với tên gọi là “Saemaul Undong” được bắt đầu vào năm 1970 đã tạo ra sự bùng nổ phát triển nông thôn. Trong giai đoạn này, thu nhập của hộ gia đình nông dân đã tăng đáng kể và kinh tế nông trại trở nên ổn định hơn so với các giai đoạn trước đó nhờ tăng sản xuất và trợ giá gạo. Nhờ có phong trào nông thôn mới mà môi trường sống hàng ngày ở các vùng nông thôn và ý thức kinh tế của nông dân cũng thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng cho thuê ruộng đất bắt đầu tăng mà không có sự cải thiện về cơ cấu nông nghiệp vốn dựa trên hệ thống các nông trại độc lập quy mô nhỏ. Những mâu thuẫn trong quản lý nông nghiệp đã nảy sinh. Điều này là do nông nghiệp Hàn Quốc phải trải qua nhiều mâu thuẫn lợi ích trong quá trình đi vào kỷ nguyên nông nghiệp thương mại sau khi đạt được sự tự cấp về lương thực. Định hướng chính sách kinh tế của Hàn Quốc đã được thay đổi từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng ổn định và từ chính sách bảo hộ sang chính sách mở cửa thị trường. Đối với nông nghiệp cũng vậy.
Định hướng chính sách nông nghiệp đã được thay đổi từ tăng thu nhập nông nghiệp thông qua việc tăng sản xuất các loại hạt ngũ cốc và trợ giá sang chính sách tăng thu nhập của hộ gia đình nông dân thông qua các nguồn thu phi nông nghiệp, tăng vụ, và tăng thu nhập từ chăn nuôi, hoa quả và rau xanh. Kết quả là công nghiệp nông thôn đã bắt đầu được đẩy mạnh trên cơ sở hình thành các tổ hợp nông - công nghiệp. Các ngành chăn nuôi và trồng rau thơm đã được mở rộng một cách nhanh chóng. Tương tự như vậy, các biện pháp chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tự do hoá nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ năm 1978. Tuy nhiên, không may là do thời tiết lạnh đột ngột xẩy ra vào năm 1980 đã làm giảm 36% tổng sản lượng gạo. Năm tiếp theo Hàn Quốc đã phải nhập khẩu gạo. Hơn nữa, nhập khẩu thịt bò tăng đã gây ra một cuộc khủng hoảng về giá năm 1984, và điều này đã xẩy ra khi các hộ gia đình nông dân được Chính phủ khuyến khích tăng sản lượng gia súc và tăng vụ. Giá cả các loại rau thơm và sản phẩm chăn nuôi biến động một cách thất thường. Tỉ lệ tự cấp lương thực đã bị giảm, trong khi đó các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu tăng mạnh. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ gia đình và nợ nần của các gia đình tăng cao.
Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp. Tháng 3/1986, lần đầu tiên trong lịch sử quản lý nông nghiệp của Hàn Quốc “Giải pháp toàn diện cho các làng nông nghiệp và ngư nghiệp”đã được ban hành. Nội dung chủ yếu của giải pháp toàn diện này là mở rộng các tổ hợp công - nông nghiệp nhằm tăng thu nhập phi nông nghiệp cho nông dân, tăng trợ cấp thuế cho các nhà máy ở các vùng nông thôn, tăng cường cung cấp các nguồn vốn nông nghiệp nhằm tăng thu nhập nông nghiệp, và tăng cường các dự án dành cho nông dân và ngư dân.
Những năm tiếp theo có thể coi là bước quá độ trong chính sách quản lý nông nghiệp của Hàn Quốc tới giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hơn về nông nghiệp. Năm 1986 Vòng đàm phán thương mại đa phương Urugoay về tự do hoá thương mại toàn cầu bắt đầu được tổ chức. Từ 1986 đến 1989, cán cân thanh toán quốc tế của Hàn Quốc đạt thặng dư. Chính vì vậy Hàn Quốc không còn được hưởng chế độ ưu đãi về thương mại dành cho các nước có thâm hụt cán cân thanh toán theo các điều khoản của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT). Đồng thời, sức ép đối với việc mở cửa thị trường các sản phẩm nông nghiệp ngày càng trở nên gay gắt. Theo những kết luận của Vòng đàm phán Urugoay kết thúc vào năm 1993, nông nghiệp Hàn Quốc phải thay đổi để chuẩn bị cho một thị trường nông nghiệp mở cửa. Điều này đã đặt ra một nhiệm vụ cấp bách cho chính sách nông nghiệp là cải thiện cơ cấu ngành nông nghiệp sao cho có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh trước sức ép mở cửa thị trường nông sản trong nước. Trong những năm từ 1989 đến 1994 Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra 3 nhóm giải pháp toàn diện. Đó là:
(1) Giải pháp toàn diện phát triển các làng nông nghiệp và ngư nghiệpđược thực hiện từ tháng 4/1989. Nội dung chính của giải pháp này là thành lập Quỹ quản lý ruộng đất với chức năng cấp vốn cho những nông dân có nhu cầu mua ruộng đất nhằm thúc đẩy quá trình cải thiện cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng chủ trương thành lập hệ thống tập đoàn nông nghiệp; phát triển các nguồn thu nhập phi nông nghiệp; lập kế hoạch phát triển các vùng dân cư; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp và công nghiệp xuất khẩu.
(2) Giải pháp cải thiện cơ cấu các làng nông nghiệp và ngư nghiệpđược thực hiện từ năm 1991. Chính phủ dự định đầu tư 42 tỷ won để cải thiện cơ cấu các làng nông nghiệp và ngư nghiệp trong thời gian 10 năm (1992 - 2001).
(3) Cải cách chính sách nông nghiệp và giải pháp phát triển các làng nông nghiệp và ngư nghiệpđược thực hiện từ năm 1994 là sự tiếp tục của các giải pháp toàn diện được thực hiện từ năm 1989. Dự án đầu tư 42 tỷ won dự định kết thúc vào năm 2001 sẽ được kết thúc sớm hơn vào năm 1998 và mở rộng các nguồn vốn đầu tư cho nông dân và ngư dân bằng cách dành một khoản thu thuế đặc biệt với tổng số tiền là 15 tỷ won. Tháng 11 năm 1997, Hàn Quốc phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính chỉ một năm sau khi nước này trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nền kinh tế Hàn Quốc lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Chính phủ Hàn Quốc đã phải viện đến sự giúp đỡ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để khắc phục khủng hoảng. IMF đã cung cấp các nguồn tài chính cho Hàn Quốc với một số điều kiện ràng buộc trong đó có vấn đề phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và xã hội. Chính phủ Hàn Quốc đã chấp thuận và thực hiện một cuộc tái cơ cấu một cách mạnh mẽ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngành nông nghiệp cũng nằm trong số những lĩnh vực quan trọng được tái cơ cấu trong thời gian đó.
2.3. Hội nhập quốc tế về nông nghiệp (từ 1995 đến nay)
Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn cải cách chính sách nông nghiệp. Sau khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được thành lập, nền nông nghiệp Hàn Quốc vốn đã phải đương đầu với sức ép mở cửa từ những năm trước đó lại càng gặp khó khăn hơn khi phải đáp ứng những điều kiện khắt khe của WTO về tự do hoá các sản phẩm nông nghiệp. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh từ đầu năm 1998 làm cho sản xuất nông nghiệp càng bị thua lỗ, nhiều nông trại bị đặt trước tình trạng phá sản do không hoàn trả được các khoản tín dụng đã vay. Trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ưu tiên chính sách cao nhất vào việc ổn định kinh tế nông hộ nhằm phục hồi kinh tế nông thôn. Để thực hiện điều này, Chính phủ đã chủ trương giảm nợ hoặc hoãn nợ cho các hộ gia đình nông dân và giảm hoặc miễn lãi cho vay; đồng thời ban hành “Luật đặc biệt về giảm nợ cho nông dân và ngư dân". Định hướng cơ bản của chính sách nông nghiệp đã có sự thay đổi bước ngoặt từ mở rộng quy mô nông trại trước đó sang khuyến khích phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường trên cơ sở các nông trại quy mô vừa và nhỏ và nâng cao chất lượng cạnh tranh.
Cụ thể là, Chính phủ đã thực hiện một cách có hiệu lực các biện pháp cải cách phân phối sản phẩm nông nghiệp, vấn đề này bao gồm việc mở rộng các giao dịch trực tiếp, đa dạng hoá các phương pháp giao dịch ở thị trường bán buôn công cộng, và thực hiện hệ thống đặt hàng phân phối. Năm 1998, Chính phủ đã ban hành “Luật cơ bản về nông nghiệp và nông trại"và tiến hành cải cách các tổ chức nông nghiệp có liên quan. Năm 2000, Chính phủ đã hợp nhất Liên hiệp các HTX nông nghiệp quốc gia, Liên hiệp các HTX chăn nuôi quốc gia, Liên hiệp các HTX sâm Hàn Quốc, Tập đoàn phát triển nông thôn - một cơ quan quản lý nước, và Hiệp hội cải tiến đất trồng thành một tổ chức duy nhất nhằm thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa những người nông dân, người tiêu dùng và Chính phủ để nông dân và những người tiêu dùng có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Đây cũng đữợc coi là một sự thay đổi quan trọng.
Kể từ năm 2000, những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) đã bắt đầu tạo ra những bước tiến trong trào lưu chung của thế giới hướng tới tự do hoá thương mại. Thậm chí dù Hàn Quốc đã từng rất bảo thủ đối với FTA, sự kết thúc thành công của các cuộc đàm phán FTA với Chi Lê vào năm 2002 đã tạo ra một bước ngoặt mới trong chính sách FTA của nước này. Tiếp theo đó, Hàn Quốc đã ký các hiệp định thương mại hàng hoá với Singapore năm 2004, Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) năm 2005 và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2006. Năm 2007, Hàn Quốc đã ký các FTA với Mỹ và hiện nay đang đàm phán các FTA với Nhật Bản, Mehicô, EU, Ấn Độ, và Canada.
Để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường trong bối cảnh mới nói trên, cơ sở của chính sách nông nghiệp của Hàn Quốc đã thay đổi theo hướng lấy người tiêu dùng làm tiêu điểm. Chính phủ Hàn Quốc đã chủ trương tăng cường mức độ tin tưởng và thoả mãn của người tiêu dùng bằng việc xây dựng cơ sở sản xuất và phân phối 40 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Hàn Quốc, và đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn lương thực thực phẩm, dán tem nguồn gốc của sản phẩm, và hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Một thay đổi lớn khác là đẩy mạnh chính sách đối với thu nhập của nông dân và các làng nông nghiệp. Chính phủ đã sử dụng hệ thống đền bù trực tiếp cho các diện tích trồng lúa nước từ năm 2000 sau khi tham khảo kinh nghiệm áp dụng từ các nước tiên tiến. Năm 2002, Chính phủ cũng đã sử dụng hệ thống đền bù trực tiếp đối với thu nhập từ việc canh tác lúa nước. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành “Luật đặc biệt về cải thiện chất lượng cuộc sống” vào năm 2005 nhằm cải thiện phúc lợi ở các vùng nông thôn bằng các chính sách thích hợp.
Nhằm tái tạo sức sống ở các vùng nông thôn kinh tế trì trệ, Chính phủ đã sựa đổi một số điều khoản chính sách và cải tiến các hệ thống có liên quan nhằm tạo điều kiện cho nguồn vốn từ thành thị có thể đổ về các vùng nông thôn, khuyến khích những trao đổi giữa thành thị và nông thôn và đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.
Tóm lại, sự phát triển nông nghiệp của Hàn Quốc từ năm 1948 đến nay đã trải qua 3 giai đoạn chủ yếu. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, nông nghiệp Hàn Quốc phải đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và nguồn lao động cần thiết cho sự phát triển của các ngành công nghiệp. Vấn đề tự cung tự cấp, đặc biệt là đối với những sản phẩm nông nghiệp thiết yếu như lúa gạo, thịt, sữa... là một yêu cầu quan trọng hàng đầu đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các ngành công nghiệp trong thời kỳ đầu đã làm cho khoảng cách phát triển giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Nông nghiệp trở nên ngày càng lạc hậu so với công nghiệp, đất đai nông nghiệp được sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp ngày càng nhiều trong khi nguồn tài nguyên không thể tái tạo này của Hàn Quốc cũng hết sức khan hiếm. Thêm vào đó, những yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi nông nghiệp phải mở cửa hơn nữa trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi chính sách nông nghiệp của Hàn Quốc cần được điều chỉnh theo hướng chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững, duy trì và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên nông nghiệp như đất và nước, hiện đại hóa nông thôn và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nhìn chung, các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn của Hàn Quốc đã thu được những kết quả khả quan, đem lại một diện mạo mới cho sự phát triển hiện đại của nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện nay nền nông nghiệp Hàn Quốc nói riêng và kinh tế Hàn Quốc nói chung vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là việc mở cửa các thị trường sản phẩm nông nghiệp; khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị tuy đã được thu hẹp phần nào nhờ các chính sách được thực hiện trong thời - gian qua song vẫn còn khá lớn; những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp, theo đó sở thích của người tiêu dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường ngày càng tăng lên; trợ cấp nông nghiệp cao làm cho có sự chênh lệch lớn về giá cả sản phẩm nông nghiệp giữa giá trong nước và giá quốc tế hạn chế cạnh tranh; và vấn đề sử dụng phân hoá học trong nông nghiệp đang đặt ra những vấn đề lớn đối với môi trường và đất nông nghiệp. Đây là những vấn đề mà Chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt và cần có những biện pháp chính sách hữu hiệu hơn để giải quyết trong thời gian tới.
1. Ban, Sung-Hwan, The Growth of Agricultural Output and Productivity in Korea, 1918 - 1978,Journal of Rural Development 4:1 (June 1981): 1-18.
2. Bank of Korea (2006a), Economic Statistics Yearbook 2006, Seoul, Korea.
3. Kim, Chang-Gil (2007a), Policies on environmentally friendly agricultural practices in developed countries and their policy implications for Korea,Korea Rural Economic Institute, Seoul, Korea.
4. Kim, Chang-Gil (2007b), Strategy for environmentally friendly agriculture in Korea,Korea Rural Economic Institute, Seoul, Korea.
5. KREI (1999), Agriculture in Korea,Korea Rural Economic Institute, Seoul, Korea.
6. KREI (2006), Outlook of Koreanagriculture in 2006,Korea Rural Economic Institute, Seoul, Korea.
7. MAF (1997), White paper on agricultural policy reforms in Korea,Seoul, Korea.
8. MAF (2005a), Manual on the implementation of agricultural projects,Seoul, Korea.
9. MAF (2006a), Statistical Yearbook of Agriculture and Forestry,Seoul, Korea.
10. MAF (2006b), Major statistics of Korean Agriculture and Forestry,Seoul, Korea.
11. OECD (1998), Review of Agricultural Policies in Korea,Paris.
12. OECD (2006c), Agricultural policies in OECD countries: At a glance 2006,Paris.
Nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn, trong đó quốc gia này muốn nhập nhiều từ Việt Nam, tận dụng ưu đãi từ KVFTA.
Sáng 29/3, tại Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nằm trong chuỗi “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022 với khoảng 30 phiên tư vấn.
Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương như KVFTA, RCEP...Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét, và ít có sự cạnh tranh đối đầu trực tiếp
Ông cho biết, nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn, trong đó các nhà nhập khẩu nước này muốn tìm kiếm thêm các nhà cung ứng chất lượng từ Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam. Với dân số khoảng 51 triệu người, thu nhập bình quân 35.000 USD/người/năm, năm 2021 Hàn Quốc nhập khẩu 40 tỷ USD mặt hàng nông, thuỷ sản, trong khi đó thị phần mặt hàng này của Việt Nam tại Hàn Quốc khoảng 3,2%, với 3,8 tỷ USD.
Nhấn mạnh vào xu hướng tiêu dùng của Hàn Quốc hiện nay là bữa ăn gia đình, ông Tuyên phân tích: “Thực phẩm ăn liền hay thực phẩm dễ nấu, dễ ăn... có tăng trưởng mạnh, đặc biệt khi dịch Covid-19 xuất hiện người dân hạn chế ra ngoài tụ tập”.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Công thương Hưng Yên cho biết, nông sản của Hưng Yên đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc nhưng với kim ngạch còn khiêm tốn. Bên cạnh các nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như dệt may, hàng điện tử xuất khẩu nhiều sang Hàn Quốc, địa phương đang đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây tươi như nhãn, vải thiều, chuối...
Ngoài 4.000 ha nhãn, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, hầu hết được trồng theo quy trình VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.Hưng Yên hiện có vải với sản lượng trên 10.000 tấn/năm; nghệ tươi khoảng 3.000-4.000 tấn/năm; chuối khoảng 66.000 tấn/năm…
Theo đại diện các Công ty doanh nghiệp phân phối nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như: trái cây gồm trái cây tươi như chuối, xoài, thanh long và trái cây đông lạnh; rau củ quả như sả, lá dong, lá chuối, mía; các loại rau gia vị như riềng; mặt hàng thuỷ hải sản đông lạnh như mực khô, cá basa, cá lóc, cá trê… được thị trường Hàn Quốc khá ưa chuộng.
Tất nhiên, tiêu chuẩn của thị trường này với các sản phẩm nông thủy sản cũng rất khắt khe, không kém châu Âu, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Good Farmers cho hay: Hàn Quốc không bắt buộc nhà sản xuất phải nuôi, trồng sản phẩm với tiêu chuẩn nào. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh và kháng sinh. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam bị vướng ở vấn đề này.
Tín hiệu tích cực là số vụ hàng nông, thuỷ sản thực phẩm Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thưc phẩm khi nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm khá đáng kể trong giai đoạn 2018-2021, từ 151 vụ năm 2018 xuống 52 vụ trong năm 2021.
Theo ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Công ty Vinaka, làm ăn với Hàn Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo sự đồng đều, ổn định trong các lô hàng xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng mặt hàng. Khi đã được bạn hàng tín nhiệm, việc gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ thành hiện thực.
Điều này cũng được Bí Thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Phạm Khắc Tuyên lưu ý: “Để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài”.
Đã có một số doanh nghiệp Việt xuất khẩu được các loại trái cây tươi như chuối, xoài...sang Hàn Quốc và bước đầu được thị trường này đón nhận. Riêng kim ngạch xuất khẩu chuối đạt khoảng 3 triệu USD/năm, chuối là mặt hàng Việt Nam có nhiều dư địa gia tăng thị phần tại Hàn Quốc do mỗi năm nước này nhập khẩu chuối với trị giá khoảng 300 triệu USD. Đặc biệt, chuối là sản phẩm Hàn Quốc phải nhập gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi.
Năm 2021, bất chấp tác động không thuận lợi từ đại dịch, thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 10,1 tỷ USD, tăng 20,3%.
Nông nghiệp bền vững - Nông nghiệp xanh - Giúp người nông dân